Phân tích đối tượng khách hàng của bạn
Marketing là những việc bạn làm để tìm hiểu khách hàng của mình là những ai, họ cần gì và muốn gì, và làm thế nào để đáp ứng nhu cầu của họ đồng thời tạo ra lợi nhuận:
- cung cấp sản phẩm và/ hoặc dịch vụ mà khách hàng cần;
- đưa ra mức giá khách hàng chấp thuận trả;
- đưa sản phẩm/ dịch vụ đến với khách hàng; và
- cung cấp thông tin và thu hút khách hàng để họ mua sản phẩm và dịch vụ của bạn.
Trong bài này, bạn sẽ học cách xác định khách hàng tiềm năng và hiểu được tại sao họ lại chọn mua hàng của bạn chứ không mua của các đối thủ cạnh tranh.
Hiểu khách hàng của bạn
Khách hàng là yếu tố có ý nghĩa sống còn đối với công việc kinh doanh của bạn. Nếu bạn không cung cấp cho khách hàng thứ mà họ cần với giá phải chăng, họ sẽ tìm chỗ khác để mua hàng. Còn nếu khách hàng được đáp ứng tốt thì họ sẽ thường xuyên quay lại mua hàng của bạn. Họ sẽ tuyên truyền cho bạn bè và những người khác về doanh nghiệp của bạn. Đáp ứng được khách hàng bạn sẽ tăng được doanh số và lợi nhuận. Bạn hãy ghi nhớ rằng nếu không có khách hàng, kinh doanh sẽ thất bại.
Khách hàng mua hàng hoá và dịch vụ của bạn để thoả mãn những nhu cầu và mong muốn khác nhau.
Họ mua:
·xe đạp vì họ cần phương tiện đi lại;
·quần áo đẹp để trông hấp dẫn hơn;
·máy thu thanh để nghe thông tin và giải trí;
·đồ bảo hộ lao động để bảo vệ quần áo.
Nếu bạn đáp ứng được những yêu cầu của khách hàng, việc kinh doanh của bạn sẽ thành công.
Thu thập thông tin về khách hàng
Việc thu thập thông tin về khách hàng được gọi là Nghiên cứu thị trường. Khâu này rất quan trọng khi lập kế hoạch cho bất kỳ việc kinh doanh nào. Có thể đặt ra rất nhiều câu hỏi:
- Doanh nghiệp của bạn cần những loại khách hàng nào? Lập danh sách mặt hàng và dịch vụ mà bạn sẽ cung cấp và ghi lại các loại khách hàng cho sản phẩm hay dịch vụ đó. Họ là nam giới, phụ nữ hay trẻ em? Các cơ sở kinh doanh khác cũng có thể trở thành khách hàng tiềm năng của bạn. Hãy ghi lại bất kỳ điểm nào có thể ảnh hưởng đến công việc kinh doanh.
- Khách hàng cần loại hàng hoá hoặc dịch vụ nào? Đâu là điểm quan trọng nhất đối với từng loại hàng hoá mà bạn cung cấp: kích cỡ? màu sắc? chất lượng? giá cả?
- Khách hàng chấp thuận mức giá bao nhiêu cho từng sản phẩm/dịch vụ của bạn?
- Khách hàng của bạn sống ở đâu? Họ thường mua hàng ở đâu và khi nào?
- Họ mua hàng có thường xuyên không: mua hàng ngày, hàng tháng, hay hàng năm?
- Họ mua hàng với số lượng bao nhiêu?
- Số lượng khách hàng của bạn có tăng lên không?
- So với trước đây số lượng khách hàng tăng lên hay có xu hướng giữ nguyên?
- Tại sao khách hàng lại mua một loại sản phẩm hoặc dịch vụ nào đó?
- Họ có muốn tìm mua loại hàng khác hay không?
Những câu trả lời xác thực sẽ giúp bạn quyết định được ý tưởng kinh doanh của mình có giá trị hay không. Nghiên cứu thị trường có thể được tiến hành theo nhiều cách khác nhau. Bạn có thể thu thập thông tin về các khách hàng tiềm năng những cách sau:
- Dự đoán dựa trên hiểu biết sẵn có - Nếu như bạn đã có hiểu biết về một ngành kinh doanh nào đó bạn có thể dựa trên những kinh nghiệm đó để đưa ra một vài dự đoán hữu ích.
- Sử dụng các nguồn thông tin trong ngành - Thông thường bạn có thể thu được thông tin về quy mô thị trường từ các cơ sở kinh doanh trong ngành. Việc nghiên cứu quy mô thị trường hàng hoá, nhu cầu, khiếu nại của khách hàng cũng không phải là khó. Hãy tham vấn các nhà phân phối chính về mặt hàng đó (các cơ sở bán buôn), xem các tài liệu chỉ dẫn về kinh doanh, báo chí thương mại...
- Tham khảo ý kiến các khách hàng dự kiến được lựa chọn theo mẫu - Bạn nên tham khảo ý kiến càng nhiều khách hàng càng tốt. Hãy tìm hiểu xem có bao nhiêu người muốn sử dụng sản phẩm mà bạn sẽ bán.
Nghiên cứu thị trường giống như truyện trinh thám, bạn phải lần ra đầu mối để khám phá bí mật. Có thể bạn sẽ nhận ra rằng công việc kinh doanh không đủ lượng khách hàng cần thiết. Nếu đúng như vậy, hãy chuyển hướng nghĩ tới một việc kinh doanh khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.